Sài Gòn Xưa Và Nay – Khác Biệt Hay Đặc Biệt

 Sài Gòn Xưa Và Nay – Khác Biệt Hay Đặc Biệt

Trải qua hơn 300 năm hình thành và phát triển, tuy có nhiều điểm khác biệt nhưng vẫn luôn đặc biệt theo cách của mình. Cùng điểm qua Sài Gòn xưa và nay đã thay đổi những gì bạn nhé!

Văn hóa Sài Gòn xưa và nay

Tuy ngày càng hội nhập và phát triển nhưng Sài Gòn xưa và nay vẫn gìn giữ được nét đẹp văn hóa rất riêng của mình – cà phê cóc. Từ hẻm nhỏ cho đến các con đường lớn, chỉ cần đôi chiếc ghế con, một góc vỉa hè là bạn có thể dễ dàng thưởng thức ly cà phê đặc trưng rồi.

Cà phê bệt

Ngày nay khi cuộc sống đang ngày càng phát triển, các loại hình cà phê mới cũng xuất hiện nhiều hơn. Người dân có thể đa dạng lựa chọn những gì phù hợp với nhu cầu của bản thân mình, thế nhưng nét đẹp văn hóa này vẫn đang được yêu thích và gìn giữ. Ngày cuối tuần dậy sớm, ghé ngang Nhà thờ Đức Bà gọi ly cà phê thơm thơm, nhâm nhi ổ bánh mì và ngắm nhìn Sài Gòn ngày mới, bình yên làm sao.

Ẩm thực Sài Gòn xưa và nay

Dù trải qua bao nhiêu năm tháng thì mọi người đều có thể cảm nhận được nhiều sắc thái văn hóa khác nhau tại Sài Gòn, trong đó có ẩm thực.

Nếu vào thời điểm trước những năm 1975, ẩm thực Sài Gòn có sự chắt lọc, tiếp thu của nhiều nền văn hóa từ Đông sang Tây và tạo nên một nét đặc trưng rất riêng biệt thì ngày nay, ẩm thực Sài Gòn là sự kết tinh từ nhiều hương vị trên thế giới.

Nói không điêu khi bạn muốn thưởng thức ẩm thực vùng nào thì Sài Gòn cũng đều có cả. Từ món Việt ba miền Bắc Trung Nam, món Âu, món Á; từ nhà hàng sang trọng cho đến gành hàng lề đường. Tất cả đều góp phần tạo nên nét đẹp cho nền ẩm thực Sài Gòn xưa và nay.

Tính cách người Sài Gòn xưa và nay

Có nhiều người khi ghé thăm mảnh đất này đều nhận xét rằng “chưa thấy ai hào sảng như người ở Sài Gòn”. Mà đúng thật, ở nơi đất chật người đông này, không có gì nhiều hơn sự bao dung và nghĩa tình cả.

Trên các con đường nắng chiếu như đổ lửa, những bình trà đá mát lạnh miễn phí luôn xuất hiện khi người ta cần. Những quán cơm từ thiện dường như đều có mặt trên tất cả các quận, huyện của thành phố; cho đến những tiệm hớt tóc miễn phí, những chuyến xe cứu thương 0đ, những bó rau đùm bọc lẫn nhau trong mùa covid thương đau,…

Kể làm sao hết những giá trị tốt đẹp ấy, dù là xưa hay nay thì tính cách của người Sài Gòn vẫn vậy, vẫn hào sảng, ấm áp và nghĩa tình.

Sài Gòn xưa và nay tuy có sự thay đổi nhưng sự thay đổi ấy mang lại ý nghĩa và giá trị tích cực. Khác biệt một cách đặc biệt – chính là Sài Gòn tôi yêu.

NHỮNG DẤU ẤN ĐẶC BIỆT SÀI GÒN XƯA VÀ NAY

Sài Gòn xưa từng được mệnh danh là “Hòn ngọc Viễn Đông” của châu Á. Cho đến nay, Sài Gòn vẫn khẳng định được vị trí của mình khi trở thành một trung tâm thương mại sầm uất nhất nhì đất nước. Cùng điểm qua Sài Gòn xưa và nay đã thay đổi những gì bạn nhé!

Dinh Độc lập tại Sài Gòn xưa và nay

Vào năm 1873, nơi đây là một tòa biệt thự có tên gọi là dinh Nô-rô-đôm thuộc toàn quyền của Đông Dương (dinh Toàn quyền) tại Sài Gòn. Sau ngày giải phóng, dinh Ðộc Lập là trụ sở của Uỷ ban quân quản thành phố. Hội nghị hiệp thương thống nhất đất nước đã họp ở đây vào tháng 12/1975 và Dinh Ðộc Lập đã được đổi tên thành Hội trường Thống Nhất.

Ngày nay vào mỗi năm, khu di tích Dinh Độc Lập thường đón gần một triệu lượt khách trong nước và ngoài nước đến tham quan. Đây là công trình kiến trúc được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt và có dấu ấn lịch sử văn hóa nổi bật của đất nước ta.

Nhà thờ Đức Bà ở Sài Gòn xưa và nay

Từ 1863 – 1865, một công trình kiến trúc lớn mang tên nhà thờ Chánh tòa Sài Gòn (nhà thờ Đức Bà ngày nay) được xây dựng ở quảng trường công xã Pari, trung tâm thành phố.

Kiến trúc nhà thờ Đức Bà mang đậm lối kiến trúc cổ của Pháp, xây dựng theo đồ án của kiến trúc sư J.Bourard. Sau này người ta mới xây thêm hai chóp nhọn như hiện nay. Với không gian rộng và thoáng từ thiên nhiên bên ngoài tới bên trong thánh đường, nơi đây đã trở thành một trong những biểu tượng của Sài Gòn.

Bến Nhà Rồng tại Sài Gòn xưa và nay – nơi in dấu chân Bác

Nếu bạn đã đặt chân đến thành phố mang tên Bác thì không thể không ghé thăm Bến Nhà Rồng. Đây là một trong những địa danh nổi tiếng và có ý nghĩa to lớn trong lịch sử Việt Nam. Vào ngày 5/6/1911, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lên con tàu Amiral Latouche Tréville rời Việt Nam và bắt đầu cuộc hành trình ra đi tìm đường cứu nước cho dân tộc ta, giải phóng ách thống trị đàn áp của thực dân Pháp.

Hiện nay, Bến Nhà Rồng đã tu sửa hiện đại hơn nhưng vẫn còn lưu giữ những tư liệu, hiện vật và hình ảnh về hành trình tìm đường cứu nước của Bác.

Nhà hát Thành phố Sài Gòn xưa và nay – công trình mang đậm phong cách Gothic

Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những công trình lâu đời theo kiến trúc châu Âu tại Sài Gòn. Trải qua nhiều biến cố lịch sử, Nhà hát Thành phố cũng bị hư hại đáng kể. Nơi đây được tu bổ lại vào năm 1988 với phương châm phục chế, bảo tồn phong cách kiến trúc ban đầu.

Ngày nay nhà hát không chỉ là nơi tổ chức những chương trình sân khấu nghệ thuật lớn như kịch nói, cải lương, opera, múa bale mà đây còn là địa điểm du lịch và check-in nổi tiếng thu hút nhiều du khách tham quan.

Ngày nay, Sài Gòn đã khoác lên mình những biểu tượng mới như Bitexco, tòa LandMark 81 cao chọc trời,… Nhưng cho dù Sài Gòn ngày nay có phát triển hiện đại vượt bậc như thế nào thì những công trình cổ kính mang đậm dấu ấn Sài Gòn xưa vẫn hiện hữu và trường tồn theo thời gian.